Chủ nhật, 24/03/2024 17:08 (GMT+7)

logo homobq logo tim mạch

hotline

Homocystein là yếu tố nguy cơ mới của bệnh tim mạch

5/5 - (1 bình chọn)

Tăng homocytein huyết tương là yếu tố nguy cơ của Đột quỵ não

Ngày nay tăng homocystein máu đã được ghi nhận như là YTNC phổ biến, là tác nhân gây thuyên tắc mạch máu chẳng hạn như ĐQN, nhồi máu cơ tim cấp và thuyên tắc tĩnh mạch. Các nghiên cứu về các tế bào trong ống nghiệm xác định tăng homocystein máu đã ảnh hưởng trên lớp nội mạc và cơ trơn mạch máu trước khi bị thuyên tắc mạch. Một sự kết hợp giữa tăng homocystein máu trung bình và rối loạn chức năng mạch máu đã được đề cập đến rất nhiều trong những công trình nghiên cứu gần đây ở động vật và người. Homocystein máu có thể làm suy giảm chức năng mạch máu thông qua các cơ chế bao gồm kích lực (stress) oxy hoá hoặc thay đổi methyl của tế bào. Mặc dù tăng homocystein máu trung bình có thể điều trị hiệu quả bằng cho uống acid folíc và vitamin nhóm B [77].

Hậu quả tổn thương rất sớm là rối loạn chức năng của các tế bào nội mạc mạch máu. Tế bào nội mạc mạch máu có thể bị tổn thương do cholesterol-LDL, các gốc tự do, tăng huyết áp, đái tháo đường, homocystein, hoặc các yếu tố nhiễm khuẩn. Các bạch cầu đơn nhân trong máu và lympho T dính chặt vào các vị trí của tổn thương nội mạc mạch máu và thường di trú dưới nội mạc mạch máu, nơi đó các bạch cầu đơn nhân bắt nguồn từ các đại thực bào được chuyển thành các tế bào bọt chứa đầy lipid. Hậu quả tổn thương được gọi là giải chất béo. Sự giải phóng của các yếu tố tăng trưởng và hoá hướng động từ các tế bào nội mạc mạch máu, kích thích đại thực bào tăng sinh nhanh và di trú các tế bào cơ trơn nội mạc mạch máu, từ đó hình thành một mảng sợi. Các tiểu cầu đến bám các vị trí của nội mạc mạch máu bị tổn thương và giải phóng các yếu tố hoá hướng động và tiếp tục phát triển vữa xơ. Từ mảng tổn thương VXĐM có thể làm bít tắc lòng mạch máu, hoặc có thể gây lấp mạch do các cục máu đông hay do mảng vữa xơ bị vỡ.

Adachi H. và cs. muốn xem tăng homocystein máu có phải là một YTNC độc lập gia tăng độ dày thành lớp áo trong-lớp áo giữa lan rộng ở động mạch cảnh hay không, đã tiến hành một cách ngẫu nhiên quần thể có thói quen ăn uống khác nhau trong số 1.111 trường hợp (452 nam, 659 nữ) tuổi trung bình (63+10) đi đến kết luận tăng nồng độ homocystein máu trung bình của người Nhật ở phía Tây là một YTNC độc lập gia tăng độ dày thành động mạch cảnh (bao gồm lớp áo trong và lớp áo giữa) có ý nghĩa thống kê (p<0,05) [33].

Nghiên cứu tiến cứu của Li N. và cs. [15], đã chứng minh tăng homocystein máu có thể dẫn đến nhiều phản ứng trong đó có các phản ứng mạnh, như phản ứng homocystein-thiolacton, phản ứng kích lực oxy hoá trong thành động mạch. Kết quả các phản ứng oxy hoá-khử sẽ tích luỹ trong tế bào, làm tổn thương các tế bào nội mạc mạch máu của các động mạch, thúc đẩy hình thành cục máu đông, kích thích sự phát triển các tế bào cơ trơn và cuối cùng hình thành mô sợi. Hơn nữa, tăng homocystein máu sẽ làm giảm sản xuất oxyd nitơ từ đó làm tổn thương nội mạc mạch máu. Các nghiên cứu gần đây đã nhấn mạnh vai trò của phản ứng kích lực oxy hoá do tăng homocystein gây giảm oxyd nitơ và kích thích trực tiếp tạo ra O2 thông qua sự giảm oxy hoá do thụ thể của homocystein. Thêm vào đó, giảm sản xuất adenosin và giảm sự khử methyl của các tế bào trong suốt quá trình tăng homocystein sẽ thúc đẩy quá trình vữa xơ. Trong các cơ chế này, đặc biệt homocystein gây ra phản ứng kích lực oxy hoá, có thể có vai trò quan trọng trung gian thúc đẩy vữa xơ cầu thận [44],[46],[51].

Gravina-Taddei C.F., thấy tăng nồng độ homocystein máu là một YTNC của bệnh vữa xơ động mạch vành ở người lớn tuổi. Tác giả nghiên cứu 172 đối tượng tuổi trên 65, bao gồm 88 chứng và 84 bệnh, sau khi hiệu chỉnh tuổi, giới. Tất cả đều được chụp mạch vành và xét nghiệm homocystein máu, phân tích đa biến; kết quả nghiên cứu cho thấy cứ tăng 1 mmol/L homocystein máu thì gia tăng tỷ lệ nguy cơ bệnh động mạch vành 1,07 lần.

Theo của Parnetti L. và cs., tăng homocystein máu là một YTNC của bệnh mạch máu não. Nhiều công trình nghiên cứu và kiểm chứng đã xác định mối tương quan kết hợp giữa tăng homocystein máu trung bình và bệnh vữa xơ mạch máu, cơ chế bệnh sinh liên quan giữa tăng homocystein máu và ĐQN, đặc biệt đáng chú ý vai trò tăng homocystein máu có thể gây ra tổn thương thành nội mạc mạch máu[15]. Một trong những phát hiện quan trọng nhất đã được quan sát trong các nghiên cứu tăng homocystein trên thực nghiệm là làm suy yếu giãn mạch gián tiếp do oxyd nitơ (NO) xuất phát từ lớp nội mạc mạch máu. Oxyd nitơ có tác dụng gây giãn mạch và khử hoạt tính hoà tan vòng guanyl trong cơ trơn mạch máu, kết quả tích tụ GMP vòng và giãn mạch. Thuật ngữ “Rối loạn chức năng nội mạc mạch máu” đã được dùng để ám chỉ sự suy yếu giãn mạch nội mạc phụ thuộc xảy ra khi có sự hiện diện của các điều kiện sinh lý chẳng hạn như tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, đái tháo đường, và tăng homocystein. Rối loạn chức năng nội mạc mạch máu không chỉ đơn thuần là dấu chỉ điểm bệnh mạch máu, mà còn liên quan mật thiết đến tiên lượng [19],[20],[51].

 

Năm 2004, Parnetti và cs. xác định tăng homocystein máu là một YTNC độc lập cho tất cả các thể ĐQN và cần phải thường xuyên kiểm tra homocystein máu và điều trị cho các bệnh nhân ĐQN.

Prins ND. xác định tăng Homocystein được kết hợp với suy giảm chức năng nhận thức ở người lớn tuổi không bị bệnh tâm thần, và liên quan hầu hết với bệnh thần kinh vận động. Sự kết hợp này là độc lập trong các thay đổi cấu trúc não qua chụp cộng hưởng từ [67]. Hiroyasu Iso. và cs. nghiên cứu tiến cứu, giữa hai nhóm bệnh và chứng của 11.846 người tình nguyện tuổi từ 40 đến 85 ở Nhật Bản đã kết luận nồng độ homocystein cao đã được kết hợp với sự gia tăng nguy cơ các thể ĐQN, đặc biệt ĐQNMN và nhồi máu ổ khuyết, cả nam và nữ ở Nhật Bản [33].

Bài viết hữu ích ?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Avatar of Tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn

Tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn

Chuyên khoa sâu về đột quỵ não và thần kinh uy tín với trên 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu và chữa trị các bệnh thuộc chuyên khoa nội Thần kinh, đột quỵ não và phục hồi chức năng sau đột quỵ.

Xem thêm Tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

zalo call