Thứ tư, 15/05/2024 23:48

logo homobq logo tim mạch

hotline

Nam thanh niên bị nhồi máu cơ tim nguy kịch vì hút thuốc lá 10 năm

Đánh giá bài viết

Nam thanh niên có tiền sử hút thuốc lá 10 năm liên tục, mỗi ngày hút từ nửa bao đến 1 bao thuốc lá, nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau tức ngực trái âm ỉ.

Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh vừa cấp cứu một bệnh nhân trẻ 31 tuổi bị nhồi máu cơ tim nguy kịch.

Bệnh nhân D.V.T. (31 tuổi, trú tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) có tiền sử hút thuốc lá 10 năm liên tục, mỗi ngày hút từ nửa bao đến 1 bao thuốc lá, nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau tức ngực trái âm ỉ. Các xét nghiệm thăm dò phát hiện tình trạng đái tháo đường, men tim tăng nhẹ.

Ekip can thiệp mạch vành của Ths.BS Đinh Danh Trình – Phó Trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện Bãi Cháy đã thực hiện can thiệp nong bóng, đặt 1 stent vào động mạch vành phải để tái thông dòng chảy cho mạch vành tưới máu cơ tim cải thiện. Ngay sau can thiệp, cơ tim hồi phục hoàn toàn, nhịp tim quay về nhịp xoang đều 80 lần/phút, bệnh nhân thoát nguy kịch.

Hinh anh chup mach vanh cua benh nhan truoc va sau can thiep

Hình ảnh chụp mạch vành của bệnh nhân trước và sau can thiệp.

Sau 24h can thiệp, bệnh nhân được rút điện cực máy tạo nhịp tạm tời, không còn đau ngực, chỉ số sinh tồn ổn định.

Ths.BS Đinh Danh Trình – Phó Trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, bệnh cảnh tắc động mạch vành cấp tính chiếm 0.37% tới 2.96% các trường hợp nhồi máu cơ tim cấp. Tắc động mạch vành là một tình trạng nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến cố như nhồi máu cơ tim do tắc nghẽn đột ngột mạch máu nuôi tim, tàn phế, thậm chí tử vong.

Thực tế những biến chứng tim mạch nặng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ ở người trẻ, đặc biệt lứa tuổi dưới 40 hầu hết là những người hút thuốc lá nhiều. Bệnh nhân này có tuổi đời trẻ nhưng có rất nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim như béo phì, đái tháo đường chưa phát hiện, hút thuốc lá nhiều năm với số lượng lớn…

Hút thuốc lá gây vữa xơ động mạch. Theo thời gian, các mảng xơ vữa lớn dần lên gây hẹp lòng mạch tại một hay nhiều nhánh động mạch vành, làm giảm lưu lượng máu đến nuôi cơ tim. Nếu tắc các mạch máu lớn hoặc tắc mạch trên phạm vi rộng do các mảng xơ vữa long ra gây bít tắc, ở nhiều vị trí thì có thể gây ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim, gây nhồi máu cơ tim, nhồi máu não… thậm chí là ngừng tim.

Theo bác sĩ nhồi máu cơ tim đang có xu hướng trẻ hóa do thói quen sinh hoạt không lành mạnh.

Để giảm nguy cơ tắc mạch vành, nhồi máu cơ tim ở người trẻ, cần:

Có chế độ ăn uống hợp lý, tránh ăn mỡ và nội tạng động vật, ăn đủ rau quả, từ bỏ thói quen hút thuốc lá, không lạm dụng rượu bia, tập thể dục đều đặn, giữ cân nặng hợp lý, tránh căng thẳng tâm lý, điều trị tốt các bệnh lý nếu có như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu…

Cần chú trọng khám sức khỏe định kỳ đều đặn cũng như khám chuyên khoa tim mạch khi có các triệu chứng bất thường để phát hiện và điều trị sớm bệnh lý động mạch vành, giúp phòng ngừa nhồi máu cơ tim và các biến chứng của nó.

Khi người bệnh xuất hiện các dấu hiệu như đau tức vùng ngực, khó thở, toát mồ hôi lạnh, nôn, choáng váng… thì cần đến thăm khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để chẩn đoán và can thiệp điều trị nhồi máu cơ tim kịp thời.

Đối với những bệnh nhân trẻ tuổi hoặc những người đã mắc bệnh tim mạch cần phải có chế độ ăn hợp lý, duy trì cân nặng phù hợp, tập thể dục đều đặn, cân đối công việc và cuộc sống.

Ngoài ra, những người đã mắc bệnh tim mạch cũng cần thường xuyên thăm khám, sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để duy trì sức khỏe.

Gia tăng nhồi máu cơ tim do hút thuốc lá ở giới trẻ

Thói quen hút thuốc lá hay còn gọi là “nghiện” thuốc lá xuất hiện trong giới trẻ ngày càng nhiều, đặc biệt là thuốc lá điện tử. Hút thuốc lá không chỉ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi mà những năm gần đây Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) gặp rất nhiều bệnh nhân trẻ tuổi bị nhồi máu cơ tim, trong đó có bệnh nhân mới 28 tuổi. Đặc điểm các bệnh nhân này đều có tiền sử hút thuốc lá. Mỗi năm, trên thế giới có 8 triệu người tử vong vì thuốc lá.

Hút thuốc lá dẫn đến nhồi máu cơ tim khi tuổi còn trẻ

Điều trị tại Khoa cấp cứu Nội Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn được gần 1 tuần, anh N.V.T (35 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) vừa vượt qua “cửa tử” kể: “Tôi chưa bao giờ nghĩ, có ngày mình bị ngừng tim đột ngột chỉ vì do thói quen hút thuốc lá”. Anh T vốn sức khỏe rất tốt, không mắc bệnh nền. Nhưng anh đã hút thuốc lá gần 20 năm nay. Sáng 20/5, anh cảm thấy khó thở. Khi leo lên cầu thang bỗng dưng ngực đau nhói và ngã gục xuống đất. May mắn, anh được người nhà phát hiện đưa đi cấp cứu kịp thời.

Theo chia sẻ của anh T, do công việc kinh doanh chịu áp lực về doanh số, lại có thói quen hút thuốc từ khi còn khá trẻ tuổi, nên mỗi ngày anh hút khoảng 1 bao thuốc lá. Biết hút thuốc là có hại, nhưng nghĩ mình còn trẻ khỏe không sao, nên anh chưa có ý định “cai” thuốc. “Sau lần thập tử nhất sinh này tôi thấy sợ rồi. Tác hại của thuốc lá quá nghiêm trọng, tôi muốn nhắn tới mọi người đang hút thuốc hãy từ bỏ thói quen có hại này”, anh T chia sẻ.

hút-thuốc-1.jpg -0
Anh T thoát chết sau khi bị nhồi máu cơ tim do hút thuốc lá lâu năm.

Theo BS Nguyễn Ngọc Quân, Khoa cấp cứu Nội Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, bệnh nhân T vào viện cấp cứu trong tình trạng nhồi máu cơ tim. Qua điều tra bệnh sử, bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá điện tử và thuốc lá truyền thống khoảng gần 20 năm. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng sốc tim (nhồi máu cơ tim) do tắc động mạch vành dẫn tới tim không thể co bóp được. Các bác sĩ đã can thiệp, sốc điện thành công cho bệnh nhân. Sau đó, người bệnh trở về với cuộc sống bình thường, không phải thở oxy.

Bác sĩ Quân khuyến cáo, hút thuốc lá lâu năm sẽ gây ra bệnh lý xơ vữa mạch mãn tính với tất cả các mạch máu trong cơ thể. Các mảng xơ vữa dần dần sẽ gây hẹp mạch, mà hậu quả có thể là đột tử (nhồi máu cơ tim), nhồi máu não. Đối với những bệnh nhân hút thuốc đã có nhồi máu cơ tim, sau điều trị, nếu vẫn tiếp tục hút thuốc, mạch máu sẽ tái hẹp rất nhanh gây nhồi máu cơ tim. Và thường lần tái phát nhồi máu cơ tim thứ 2 sẽ nặng hơn lần thứ nhất rất nhiều. Với bệnh nhân trẻ tuổi có nhồi máu cơ tim đặt stent sẽ phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ trong 1 năm. Bệnh nhân vẫn sẽ phải theo dõi trong một thời gian dài tiếp theo.

Việc hút thuốc lá cướp đi tính mạng 8 triệu người mỗi năm

Theo BS Nguyễn Ngọc Quân, vài năm gần đây Khoa cấp cứu Nội Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn gặp rất nhiều bệnh nhân trẻ tuổi bị nhồi máu cơ tim. Bệnh nhân trẻ tuổi nhất bị nhồi máu cơ tim từng điều trị tại khoa mới khoảng 28 tuổi. Đặc điểm các bệnh nhân này đều có tiền sử hút thuốc lá. Nếu như 10 năm trở về trước, nhồi máu cơ tim thường xảy ra ở những người trung niên (40-50 tuổi), thì nay bệnh nhân nhồi máu cơ tim ngày càng trẻ hóa. Mỗi năm Khoa tiếp nhận 10-15 ca nhồi máu cơ tim là bệnh nhân trẻ tuổi, có tiền sử hút thuốc lá lâu năm.

Tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 -31/5, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) – Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá cho biết: Theo WHO, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động. Hút thuốc lá cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp. Cũng theo báo cáo của WHO và các nhà khoa học, có trên 7.000 chất độc trong khói thuốc lá. Hiện khói thuốc là nguyên nhân chính trong nhóm nguyên nhân gây bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đột quỵ, phổi tắc nghẽn mạn tính.

Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá cho biết thêm, WHO nhận định, sau đại dịch COVID-19 sẽ đến đại dịch các bệnh không lây nhiễm như: Ung thư, rối loạn chuyển hóa, huyết áp, béo phì, tiểu đường… 70% người bệnh ở bệnh viện là người mắc các bệnh không lây nhiễm này. “Thực sự thuốc lá đang là nguyên nhân chính gây nên các bệnh tật có tỷ lệ tử vong cao hàng đầu trên thế giới”, PGS Khuê nhấn mạnh.

Bên cạnh tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với các cá nhân, gia đình và xã hội, các tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút, mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm.

Theo PGS Khuê, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá tại nước ta đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận: So với năm 2015, tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm từ 45,3% năm 2015 xuống 42,3%. Đặc biệt tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể tại các địa điểm công cộng. Tỷ lệ hút thuốc trong học sinh độ tuổi 13-17 giảm từ 5,36% năm 2013 xuống 2,78% năm 2019 (giảm gần 50%). Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong việc ngăn ngừa hút thuốc lá trong giới trẻ, bảo đảm thành công bền vững của chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá.

Tuy nhiên, Cục trưởng Khuê cũng cho biết, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng gặp nhiều khó khăn như tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nước ta tuy đã giảm nhưng vẫn còn rất cao với 42,3% nam giới trưởng thành hút thuốc; tỷ lệ hút thuốc lá trong nữ giới có xu hướng gia tăng; trên thị trường lại xuất hiện các sản phẩm như thuốc lá điện tử, thuốc lá không đốt nóng, thuốc lá hút Shisha và được mua bán, quảng cáo nhiều trên mạng xã hội và chủ yếu nhằm vào giới trẻ. “Đây cũng là những sản phẩm gây nghiện và có hại cho sức khỏe, chúng ta không kịp thời ngăn chặn thì trong tương lai gần, các tổn thất về sức khỏe và kinh tế do việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới gây ra cũng nghiêm trọng không kém các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường, đặc biệt là các hậu quả về sức khỏe trong thế hệ trẻ, đồng thời gây khó khăn trong việc đạt được mục tiêu của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá là giảm tỷ lệ hút thuốc, bảo vệ sức khỏe cộng động”, PGS Khuê nói.

Vì vậy, theo khuyến cáo của các bác sĩ cũng như Giám đốc Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, mọi người hãy bỏ thuốc lá ngay hôm nay, ngừng hút thuốc sớm là phương pháp hiệu quả nhất giúp ngăn ngừa và làm chậm sự phát triển của bệnh tật do việc hút thuốc.

Theo báo Công an nhân dân

Bài viết hữu ích ?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Avatar of Tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn

Tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn

Chuyên khoa sâu về đột quỵ não và thần kinh uy tín với trên 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu và chữa trị các bệnh thuộc chuyên khoa nội Thần kinh, đột quỵ não và phục hồi chức năng sau đột quỵ.

Xem thêm Tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

zalo call