Chủ nhật, 21/07/2024 15:35

logo homobq logo tim mạch

hotline

Sát thủ ẩn mình trong não: Phình động mạch não

5/5 - (1 bình chọn)

SỰ ÁC HIỂM CỦA PHÌNH ĐỘNG MẠCH NÃO

Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Tuấn

Phình động mạch não

Mọi người nên nhận thức sớm một mầm mống bệnh cực kỳ nguy hiển, nó tự xuất hiện và tồn tại trong động mạch não một cách thầm lặng, và có thể “nổ vỡ” bất chợt, đột ngột. Hậu quả do vỡ phình động mạch não gây ra là rất thảm khốc, tỷ lệ tử vong khoảng 34- 45%, trong đó có gần 10% tử vong nhanh chóng trong vòng 1 giờ đầu trước khi người bệnh được đưa tới bệnh viện.

Tỷ lệ gặp phình động mạch não trong cộng đồng khoảng 1-8%, và tỷ lệ vỡ phình động mạch não khoảng 1-3%. Theo Gonsoulin M, Barnard JJ và cộng sự  2003, lứa tuổi hay gặp từ 31-70, nhóm hay gặp nhất từ 41-50 tuổi (chiếm 29%).

Phình động mạch não là một nguy cơ sát thương tiềm ẩn trong não, có thể cướp đi sự sống một cách nhanh chóng. Trong quá trình hình thành phình mạch và tồn tại túi phồng động mạch não, thường không có triệu chứng gì, một số có thể gặp đau đầu không đặc hiệu. Phình mạch có thể gặp ở người không có yếu tố nguy cơ tim mạch, nhưng những người có tăng huyết áp, đái tháo đường, nghiện rượu, nghiện thuốc lá thì tỷ lệ túi phình cao hơn.

Sự nguy hiểm của phình mạch đến ở sự bất ngờ, thường không có dấu hiệu cảnh báo, một số có đau đầu mức độ vừa phải trước đó. Bệnh khởi phát rất đột ngột, tự nhiên đau đầu dữ dội, đau khắp đầu (gọi là chứng đau đầu sét đánh), hoặc đau nhiều vùng trán, chẩm hoặc vùng sau gáy. Một số trường hợp nặng đi vào hôn mê, suy hô hấp sau 30 phút vỡ phình mạch. Thường kèm theo cứng gáy, nôn nhiều, một số trường hợp sụp mi mắt, liệt nửa người, liệt dây VII.

Có thể phát hiện sớm phình động mạch não bằng cách chụp khảo sát động mạch não. Có thể chụp cộng hưởng từ động mạch não (MRA), chụp CT scanner sọ não đa dẫy mạch máu não (CTA) hoặc chụp mạch số hóa xóa nền DSA.

Nếu phát hiện được phình mạch, bác sỹ chuyên khoa can thiệp hoặc thần kinh mạch máu sẽ đánh giá nguy cơ vỡ của túi phình động mạch. Nếu hình thái túi phình có nguy cơ vỡ cao thì cần sớm làm can thiệp mạch hoặc phẫu thuật kẹp cổ túi phình. Người bệnh sẽ hoàn toàn bình thường, đồng thời loại trừ được nguy cơ tử vong hoặc tàn phế do vỡ phình động mạch não gây ra.

Phình mạch trên CTA

Ở các nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Đức… bệnh do vỡ phình động mạch não gây ra (bệnh xuất huyết dưới nhện hay xuất huyết màng não) ít gặp hơn ở những nước kém phát triển. Thành quả chủ yếu do người bệnh được khám xét, khảo sát động mạch não trong cộng đồng để sàng lọc người bệnh có phình động mạch từ lúc chưa bị xuất huyết dưới nhện. Đa phần phình mạch được xử lý trước khi bị vỡ nên giảm được rất nhiều hiểm họa do túi phình động mạch não gây ra.

Ở Việt Nam đa phần gặp phình động mạch não đã vỡ, do phần lớn người bệnh trước đó không được khảo sát mạch máu não. Vì vậy tôi viết bài này để quảng bá cho cộng đồng và đồng nghiệp nhận biết một chứng bệnh nguy hiểm ở não, nhưng có thể biết trước và ngăn chặn được. Mỗi người cần ý thức sâu sắc hơn và kiên quyết hơn trong khâu dự báo và phòng bệnh đột quỵ não nói chung cũng như bệnh xuất huyết dưới nhện do vỡ phình động mạch não.

Lời khuyên của chúng tôi: Nên khảo sát sớm động mạch não để loại trừ túi phình động mạch não. Các bạn sẽ tránh được sự nguy hại đến tính mạng hoặc tàn phế do phình động mạch não gây ra.

Hôn mêBệnh nhân hôn mê

Cảnh nằm viện

Cảnh người nhà lo lắng, mệt mỏi khi có người thân nằm viện.

Bài viết hữu ích ?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Avatar of Tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn

Tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn

Chuyên khoa sâu về đột quỵ não và thần kinh uy tín với trên 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu và chữa trị các bệnh thuộc chuyên khoa nội Thần kinh, đột quỵ não và phục hồi chức năng sau đột quỵ.

Xem thêm Tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

zalo call