Chủ nhật, 21/07/2024 15:35

logo homobq logo tim mạch

hotline

NHỮNG AI CẦN KHẢO SÁT NGUY CƠ ĐỘT QUỴ NÃO

5/5 - (1 bình chọn)

ĐỐI TƯỢNG CẦN KHẢO SÁT NGUY CƠ ĐỘT QUỴ NÃO

TS.BS. Nguyễn Văn Tuấn

Đột quỵ não có thể gặp ở mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh đến người cao tuổi. Tuổi càng tăng thì nguy cơ đột quỵ não càng tăng. Từ trên 55 tuổi, cứ thêm 10 tuổi thì nguy cơ đột quỵ tăng gấp 2 lần.

Theo số liệu thống kê của Hội tim mạch Hoa Kỳ (2015), tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ từ 1 đến 15 tuổi là 6,0/100.00 người; tuổi từ 1 đến 19 tuổi là 4,6/100.000 người. Tỷ lệ hiện mắc đột quỵ người trên 20 tuổi là 2,6% tức 260/100.000 người. Ở Việt Nam, chưa có thống kê về đột quỵ não trẻ em.

Tỷ lệ đột quỵ não ở người trưởng thành 161/100.000 người (Lê Đức Hinh -1998); tỷ lệ mới mắc ở Hà Đông (theo Nguyễn Văn Thắng năm 2007) là 169,9/100.000; tỷ lệ mới mắc ở Nghệ An là 355,9/100.000 dân và tỷ lệ hiện mắc là 459,4/100.000 dân (Lê Đình Chỉnh năm 2012).

1. Tuổi dưới 20 tuổi: tần xuất mắc đột quỵ thấp, thường liên quan đến bệnh bẩm sinh hoặc di truyền. Nguy cơ gây đột quỵ liên quan đến bệnh tim bẩm sinh, dị dạng động tĩnh mạch (AVM) và bệnh Moyamoya.

– Bệnh bẩm sinh thường gặp ở người nhỏ tuổi là dị dạng động tĩnh mạch AVM. Đây là một bất thường về mạch máu liên quan quá trình phát triển mạch máu từ trong bao thai của người mẹ. Mạch máu bình thường có động mạch, mao mạch và tĩnh mạch. Người bị AVM thì không có mạng lưới mao mạch, thay vào đó là mạng lưới mạch dị dạng to nhỏ khác nhau, nói thông với hệ tĩnh mạch dẫn lưu.

Bệnh nhân có thể không có biểu hiện lâm sàng gì, một số trường hợp hay đau đầu kiểu căn nguyên mạch máu; một số có động kinh. Bệnh tiến triển dần đến một độ tuổi nào đó (thường 15 tuổi đến 40 tuổi) thì bị chảy máu não.

arteriovenous malformation avm of brain 13 638

Hình ảnh AVM sọ não do dị dạng mạch máu não

– Bệnh do di truyển Moyamoya: đây là bệnh di truyền hiếm gặp, thường từ tuổi nhỏ đến tuổi trưởng thành. Bản chất là sự kém phát triển của hệ động mạch cảnh trong do dầy lớp áo giữa động mạch, dần dần hẹp và tắc động mạch cảnh trong. Quá trình đó diễn ra từ từ, cơ thể con người thích nghi phát triển tân sinh ra có mạch máu nhỏ ly ti giống mây bay (hay sương mù).

Người bệnh không có biểu hiện lâm sàng gì rõ rệt, chỉ thấy cơ thể đứa trẻ kém phát triển, còi cọc, hệ não bộ kém phát triển hơn, trí tuệ kém. Sau đó bệnh biến chứng thành đột quỵ nhồi máu hoặc chảy máu não, một số có biểu hiện động kinh.

Nhóm tuổi này nếu thấy trẻ kém phát triển trí tuệ, hay đau đầu, có cơn con giật động kinh, máu chảy khó đông thì cần khảo sát nguy cơ bất thường mạch máu não, bệnh tim bẩm sinh và rối loạn đông máu.

2. Nhóm tuổi thanh niên và trung niên (21 đến 50 tuổi): nhóm tuổi này tần xuất mắc đột quỵ gia tăng hơn nhóm thanh thiếu niên.

Nhóm tuổi này nếu đột quỵ xảy ra thường liên quan đến bệnh dị dạng động tĩnh mạch AVM, tắc mạch não do bệnh van tim, vỡ phình động mạch não và bệnh Moyamoya. Nhóm tuổi trên 40 nhiều trường hợp đã bị tăng huyết áp và đặc biệt là nghiện rượu, đó là những nguyên nhân gây đột quỵ chảy máu não hoặc xuất huyết dưới nhện (màng não) nên lâm sàng rất nặng và tỷ lệ tử vong cao.

Nhóm tuổi này nếu có điều kiện nên chụp mạch máu não, siêu âm tim để loại trừ nguy cơ tai biến. Nếu người nào hay bị đau đầu, chóng mặt, có động kinh, tăng huyết áp, đái tháo đường thì rất nên khảo sát nguy cơ đột quỵ.

3. Nhóm tuổi trên 50 tuổi

Đây là nhóm tuổi đột quỵ não tăng lên rõ rệt, sau 55 tuổi thì cứ mỗi thêm 10 tuổi sẽ tăng nguy cơ đột quỵ não lên gấp 2 lần. Tỷ lệ đột quỵ não ở các bệnh viện lớn cho thấy nhóm <50 tuổi chiếm <10% tỷ lệ phải nhập viện điều trị; nhóm tuổi 60-80 tuổi chiếm trên 70% số bệnh nhân nằm điều trị.

Nhóm tuổi này có nhiều yếu tố nguy cơ đột quỵ não như tăng huyết áp, đái tháo đường, rung nhĩ không do van tim, hẹp động mạch cảnh, rối loạn mỡ máu, nghiện thuốc lá, béo phì, tăng homocystein máu… Nguyên nhân gây đột quỵ thường do vỡ phình động mạch não, xơ vữa động mạch gây hẹp – tắc động mạch, tắc mạch do rung nhĩ, chảy máu não do tăng huyết áp.

 

Chảy máu não trên CT so não

Chảy máu não do tăng huyết áp

 

Như vậy, nhóm tuổi trên 50 thì nguy cơ đột quỵ não tăng cao, kể cả khi người bệnh chưa có các yếu tố nguy cơ tim mạch. Lời khuyên của chúng tôi là cần phải khảo sát ít nhất một lần với người chưa có yếu tố nguy cơ tim mạch. Với người đã có yếu tố nguy cơ đột quỵ thì phải định kỳ mỗi 6 tháng hoặc 12 tháng khảo sát đánh giá, tùy theo từng trường hợp cụ thể.

Bài viết hữu ích ?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Avatar of Tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn

Tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn

Chuyên khoa sâu về đột quỵ não và thần kinh uy tín với trên 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu và chữa trị các bệnh thuộc chuyên khoa nội Thần kinh, đột quỵ não và phục hồi chức năng sau đột quỵ.

Xem thêm Tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

zalo call